Hướng dẫn lắp đặt vận hành máy biến áp

Máy biến áp ngâm dầu tiêu chuẩn kiểu kín, đầy dầu, tự giãn nở với cánh tản nhiệt bằng cánh sóng. Máy kiểu hở cánh sóng tản nhiệt có bình dầu phụ để dãn dầu. Nếu lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng máy biến thế theo đúng quy định, tuổi thọ của máy sẽ được kéo dài với các chi phí thấp nhất. Bài viết dưới đây trình bày hướng dẫn lắp đặt, vận hành máy biến áp ngâm dầu có bầu dầu phụ hoặc không có bầu dầu phụ giúp anh em kỹ thuật nắm vững hơn kiến thức về thiết bị điện này.

1. Cấu tạo máy biến thế:

 1.1. Máy biến áp kiểu kín, đầy dầu, tự giãn nở, không có đệm khí:

 Đây là loại máy kiểu kín đầy dầu với vỏ thùng cánh sóng do vậy sự dãn nở của dầu trong máy do thay đổi phụ tải và nhiệt độ được bù lại bằng sự co giãn của cánh gấp sóng vỏ máy. Dầu không tiếp xúc với không khí và hơi ẩm do vậy tránh được lão hóa, đảm bảo chất lượng của dầu không thay đổi từ lúc lắp đặt cho đến hết tuổi thọ của máy.

 Do vậy máy không cần phải lấy mẫu dầu trong thời gian vận hành (20-30 năm) Máy biến áp kiểu kín phù hợp với môi trường có độ ẩm cao.

 Tuổi thọ của máy vẫn bị ảnh hưởng bởi một phần nhỏ độ ẩm và ôxy còn lại trong thành phần cách điện (Dầu, giấy, bìa). Vì vậy phải giảm tối đa thành phần đó trong máy.

  1.2. Thông thường đối với những máy có công suất lớn hơn 2500kVA sẽ có bầu dầu phụ. Bầu dầu được thiết kế với mục đích chứa phần dầu giãn nở trong máy do sự tăng giảm của nhiệt độ môi trường và tải gây ra và để hạn chế phần dầu tiếp xúc với không khí, nó thường được trang bị bình hạt ẩm và van tháo dầu, ngoài ra nó có thể được lắp thêm Rơle hơi theo yêu cầu.

 1.3. Ngoài loại máy biến áp chính kể trên, chúng tôi còn thiết kế, chế tạo những máy biến áp theo yêu cầu người sử dụng như máy ngâm dầu có đệm khí Nitơ, máy có hộp cáp cao hạ, máy dùng điều chỉnh dưới tải hoặc những máy biến áp chống cháy sử dụng dung dịch Silicone để làm mát v.v…

  2. Vận chuyển và bảo quản thiết bị:

Vận chuyển máy biến áp đi lắp đặt

 2.1. Xuất xưởng

Tất cả các máy biến áp trước khi xuất xưởng đều phải trải qua thử nghiệm xuất xưởng tại nhà máy. Máy biến áp xuất xưởng phải được đổ đầy dầu và được lắp đặt đầy đủ các phụ kiện kèm theo (xem phụ lục…)

 2.1.1. Cẩu nâng/ hạ khi vận chuyển, lắp đặt Khi cẩu nâng hạ máy, hãy sử dụng lỗ móc treo trên nắp máy. Chỉ kích máy khi máy được chế tạo có vị trí kích không được đặt kích máy ở van tháo dầu hoặc cánh tản nhiệt. Tránh những rung động, va đập mạnh gây ra trong khi cẩu hoặc vận chuyển, đặc biệt chú trọng ở cụm cánh tản nhiệt, sứ cách điện.

 2.1.2. Kiểm tra khi nhận máy

 Ngay khi nhận máy biến áp, khách hàng hãy đối chiếu BIÊN BẢN GIAO NHẬN HÀNG HÓA với máy biến áp nhận được. Kiểm tra tình trạng bên ngoài của vỏ máy, sơn, kiểm tra chảy dầu, mức dầu và các phụ kiện của máy, các phần bị thiếu. Sau khi kiểm tra, người nhận máy sẽ ký vào biên bản giao nhận hàng. Nếu thấy bất kỳ sự mất mát, hư hỏng, hãy thông báo ngay cho nhà vận chuyển và Công ty máy biến áp Đông Anh trong vòng 3 ngày. 

2.2. Bảo quản thiết bị

 Máy biến áp nên đưa vào lắp đặt và vận hành ngay sau khi nhận máy. Nếu không thể được, máy biến áp phải được bảo quản ở nơi khô ráo, được che đậy cẩn thận, tốt nhất là để trong kho. Điều này nhằm để bảo vệ lớp sơn bên ngoài của máy ở điều kiện tốt.

 Các máy biến áp không được lắp đặt quá gần nhau để tránh làm hư hỏng các bộ phận tản nhiệt các thiết bị kèm theo khác.

 Lối đi giữa các máy phải đảm bảo sự thuận tiện cho việc kiểm tra mức dầu và lớp sơn bên ngoài khi để máy trong kho. Đối với máy kiểu kín không cần kiểm tra độ cách điện của dầu. Đối với máy biến thế có bình dầu phụ.

 Bình dầu phải được lắp đặt lại Kiểm tra mẫu dầu (điện áp đánh thủng và thành phần độ ẩm ) Cuối kỳ lưu kho, một mẫu dầu được lấy và kiểm tra so sánh kết quả với mẫu trên. Kiểm tra cách điện của máy

 3. Lắp đặt

 Máy biến áp do Công ty máy biến áp Đông Anh chế tạo có thể lắp đặt trong nhà hoặc ngoài trời. Tùy từng trường hợp mà ta có phương án cụ thể cho việc lắp đặt và vận hành cho máy.

 3.1. Lắp đặt trong nhà

 Máy biến áp có thể di chuyển trên 4 bánh xe hoặc con lăn, dùng đòn bẩy. Máy biến áp được làm mát bằng không khí xung quanh .Bởi vậy sự thông gió tốt là cần thiết cho làm mát máy biến thế.

 Để có thể làm mát tốt, cửa đưa khí lạnh vào nên để ở phần thấp của máy biến áp và cửa thoát khí nóng được đặt ở phía trên của buồng đặt máy.

 Luồng khí mát đi vào và luồng khí nóng đưa ra nên được bố trí chéo nhau trong phòng đặt máy. Để làm mát 1kW tổn hao cần có luồng khí lạnh 3m3/phút ở nhiệt độ 200C. Khi đường khí vào và đường khí ra chênh lệch 3m, cửa khí ra cần có tiết diện cắt ngang khoảng 0,4m2 để làm mát 5kW tổn hao hoặc 0,2m2 cho 2,5kW. Hãy chú ý rằng diện tích cửa vào của luồng khí lạnh có thể nhỏ hơn cửa ra của luồng khí nóng khoảng 10%. Nếu không đạt được điều này thì cửa khí ra càng rộng càng tốt.

 Để không khí tuần hoàn dễ dàng xung quanh máy, máy cần được đặt cách tường ít nhất là 50cm và khoảng cách các máy cũng như vậy khi đặt nhiều máy trong cùng một phòng.

 Các máy biến áp phải được bố trí để việc kiểm tra và bảo dưỡng có thể thực hiện được ngay cả trong khi máy đang vận hành. Đặc biệt trong các công việc bổ xung hay tháo dầu và các việc đấu nối dây đều phải được thực hiện một cách thuận tiện. Chỉ thị mức dầu, Rơ le hơi, Van giảm áp phải nhìn thấy được.

 3.2. Lắp đặt ngoài trời

 Máy lắp đặt ngoài trời có thể đặt ở mặt đất hoặc treo trên cột. Đảm bảo độ thăng bằng và độ an toàn cho máy. Tất cả các máy biến áp phải được kiểm tra sứ, cách điện cao – hạ, kiểm tra hệ thống tiếp đất, kiểm tra khoảng cách giữa các phần, các phụ kiện tháo rời kèm theo (nếu có), đặc biệt đối với chống sét (xem qui định ở bản vẽ kèm theo). Tất cả các việc trên phải được hoàn chỉnh trước khi đưa máy vào vận hành.

 4. Đưa máy vào vận hành

 Trước khi đóng điện, tất cả các máy phải qua kiểm tra trước khi đóng điện. Nếu phát hiện thấy bất cứ sự hư hỏng hoặc sự khác thường nào, cần thông báo ngay cho nhà sản xuất trong vòng 1 ngày kèm theo các biên bản thí nghiệm với các giấy tờ liên quan khác.

 4.1. Kiểm tra trước khi đóng điện

 Kiểm tra cẩn thận máy biến áp để phát hiện những phần không bình thường hoặc bị hỏng.

 – Kiểm tra mức dầu: Mức dầu được kiểm tra ở chỉ thị dầu, nếu thấy màu trắng là máy đầy dầu, nếu màu đỏ là máy thiếu dầu và phải liên lạc với Công ty máy biến áp Đông Anh để bổ xung cho đầy. Không được tự ý bổ xung dầu mà chưa có sự cho phép của Công Ty máy biến áp Đông Anh.

 – Kiểm tra cách điện:

 Đo điện trở cách điện của bối dây với đồng hồ Mega Om mét 1000V với trị số đo được không nhỏ hơn: + 100MΩ cách điện giữa cuộn dây hạ thế với đất + 250MΩ với cách điện giữa cuộn dây cao thế với đất + 250MΩ với cách điện giữa cuộn dây cao thế và hạ thế. Nếu trị số điện trở cách điện đo được nhỏ hơn trị số kể trên, trước hết phải làm sạch bề mặt sứ cao-hạ thế sau đó đo lại.

 Nếu trị số đo được vẫn nhỏ hơn thì khi đó có thể độ cách điện của dầu bị giảm do sự xâm nhập của độ ẩm không khí. Khi đó máy biến áp có thể phải lọc lại dầu hoặc sấy lại máy. Kiểm tra tỉ số biến áp Đặt vị trí điều chỉnh theo vị trí yêu cầu.

 4.2. Kiểm tra sau khi đóng điện

 Sau khi máy biến áp được đóng điện (không tải), các bước kiểm tra sẽ được tiến hành như sau:

 – Kiểm tra điện áp ra không tải so với điện áp yêu cầu. Nếu chưa đúng có thể đặt lại điều chỉnh để có điện áp ra như mong muốn và đóng điện lại.

 Chú ý: Chỉ điều chỉnh điện áp khi máy không có điện 

– Kiểm tra thứ tự pha: Nếu không đúng, ngắt điện khỏi máy biến áp, sửa lại cho đúng và đóng điện lại.

 – Kiểm tra độ ồn của máy: Sau khi đóng điện, nếu thấy độ ồn do máy gây ra quá lớn hoặc có những âm thanh lạ thì phải báo ngay cho nhà sản xuất.

 5. Vận hành máy biến áp:

 Trong quá trình vận hành trạm biến áp, những thủ tục kiểm tra thường lệ dưới đây bắt buộc phải thực hiện đầy đủ. Việc thực hiện đầy đủ các chi tiết trong hướng dẫn việc lắp đặt, vận hành máy biến áp kết hợp với bảo dưỡng máy. Những công đoạn thực hiện theo các bước dưới đây khi đưa máy vào vận hành.

Vận hành máy biến áp

 5.1. Kiểm tra mức dầu:

 Xem chỉ thị mức dầu ở phía trên ống đổ dầu, nếu có màu trắng báo hiệu máy đầy dầu, nếu có màu đỏ báo hiệu máy thiếu dầu và phải liên lạc với Công ty máy biến áp Đông Anh để bổ xung cho đầy (bổ xung thêm).

 5.2. Vận hành điều chỉnh điện áp:

 (đối với máy biến áp dùng điều chỉnh điện áp không tải) Việc điều chỉnh điện áp chỉ được tiến hành khi máy biến áp được cắt ra khỏi lưới và tải. Cách sử dụng điều chỉnh: vặn lỏng nắp trên của điều chỉnh ra, sau đó kéo tay nắm điều chỉnh lên và đồng thời xoay về nấc cần đặt sao cho mỏ của điều chỉnh đúng số ghi trên nấc của điều chỉnh. Cuối cùng ấn tay nắm điều chỉnh xuống và vặn chặt nắp của điều chỉnh lại.

 5.3. Van giảm áp

 Van giảm áp dùng làm giảm áp suất của máy biến áp khi xuất hiện sự cố bên trong máy biến áp như chạm Vỏ, ngắn mạch giữa các pha .v.v… Khi áp suất bên trong máy biến áp lớn hơn 0.35bar thì van giảm áp sẽ tự động mở cho áp suất thoát ra và tự động đóng lại khi áp suất giảm xuống.

 5.4. Rơ le hơi:

 Rơ le hơi dùng để cung cấp tín hiệu cho các thiết bị bảo vệ máy biến áp khi trong máy xuất hiện khí bởi một nguyên nhân nào đó hoặc khi máy bị dò dầu. Rơ le hơi cũng được tiến hành kiểm tra sau khi đã được lắp ráp, bao gồm mạch báo chuông và mạch cắt. Việc kiểm tra này thực hiện bằng cách ấn nút kiểm tra và bơm khí vào trong rơ le qua van để kiểm tra sự tác động của các tiếp điểm tương ứng.

 5.5. Nhiệt kế:

 Nhiệt kế có thể được cung cấp để đo nhiệt độ lớp dầu trên cùng

 5.5.1. Nhiệt kế chỉ nhiệt độ không có tiếp điểm

 Nhiệt kế loại này có một kim chỉ nhiệt độ hiện tại và một kim chỉ nhiệt độ lớn nhất (có thể đặt lại vị trí được) .

 Khi kiểm tra nhiệt kế, thấy kim chỉ nhiệt độ lớn nhất ở vị trí 100 độ C hoặc lớn hơn phải đặt lại vị trí của kim này ở mức thấp hơn và kiểm tra lại trong khoảng thời gian 1 tháng. Nếu nhiệt độ lớn nhất đạt 100 độ C hoặc lớn hơn kể từ lần đọc trước, thì điều đó có nghĩa là máy biến áp quá tải hoặc thông gió không đủ phải giảm tải cho máy biến áp hoặc phải kiểm tra thông gió có đủ không. Máy biến áp chỉ đựợc vận hành lại khi một trong hai điều kiện đó được đáp ứng.

 5.5.2. Nhiệt kế chỉ nhiệt độ, có hai tiếp điểm Các tiếp điểm tín hiệu này dùng cho mạch báo động và mạch hành trình. Do đó việc nối các tiếp điểm này với các thiết bị đóng cắt là hết sức cần thiết. Thông thường tín hiệu báo động được thiết lập ở 900C và tín hiệu hành trình là 1000C.

 5.6. Phụ tải của máy biến áp Đông Anh 

 Theo tiêu chuẩn IEC60076-1 điều kiện làm việc thông thường cho một máy biến áp phân phối ngâm dầu làm mát bằng không khí là: Độ cao nơi lắp đặt máy không vượt quá 1000m so với mực nước biển

 – Giới hạn nhiệt độ môi trường từ -25 độ C đến +40 độ C

 – Nhiệt độ không khí bình quân trong tháng không quá 30 độ  C

 – Nhiệt độ không khí bình quân trong năm không quá 20 độ C Mức giới hạn độ tăng nhiệt đối với máy biến áp ngâm dầu, làm mát bằng không khí với mức nhiệt độ dùng cho cấp cách điện A là:

 – Độ tăng nhiệt độ cuộn dây tối đa là 65 độ C

 – Độ tăng nhiệt độ lớp dầu trên cùng tối đa là 60 độ C Nếu một máy biến áp được thiết kế với nhiệt độ không khí làm mát vượt quá một trong những giá trị nêu trên thì độ tăng nhiệt độ cho phép đối với cuộn dây, lõi tôn và dầu sẽ phải giảm xuống theo tiêu chuẩn IEC60354.

Các công đoạn chi tiết từ việc hướng dẫn lắp đặt, vận hành máy biến áp đến duy tu bảo dưỡng trạm biến áp phân phối. Ngoài ra còn có các quy định trong TCVN, các quy định của ngành quản lý, quy định và yêu cầu của nhà sản xuất, đơn vị lắp đặt quản lý vận hành máy biến áp, mục đích để máy biến áp và lưới điện an toàn, tăng tuổi thọ cho thiết bị

Còn tiếp …

Cảm ơn độc giả đã ghé thăm bài hướng dẫn lắp đặt, vận hành máy biến áp, nếu có điều gì thắc mắc đọc giả có thể đóng góp ý kiến phía dưới hoặc gửi tới Email: thietbimaybienap@gmail.com